Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đam Rông trên con đường hội nhập


Đam Rông trên đường thoát nghèo
* Ấn tượng nhiệm kỳ đầu
     Một số vị lãnh đạo gắn bó với vùng đất này từ ngày đầu thành lập thường kể: Những ngày đầu đến vùng đât này, đâu đâu cũng chỉ thấy rừng núi như muốn nuốt chửng bầu trời. Nhưng đó lại là chuyện trong quá khứ cách nay đã 5 năm. Còn bây giờ, Đam Rông đã khác ! Điều này đã được minh chứng bằng mức tăng trưởng GDP trong năm 2010 đạt khá cao, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ giảm còn 26%, hệ thống lưới điện đã kéo về tất cả các thôn, buôn trong xã. Công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cũng tốt hơn với hệ thống trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giáo dục cũng được kiện toàn ở các bậc học. Toàn huyện cũng đã có các Trung tâm dạy nghề, Giáo dục thường xuyên phục vụ cho việc phát triển ngành nghề, nâng cao dân trí của người dân.    
Về Đam Rông những ngày giáp Tết Tân Mão, một màu xanh trù phú trên những triền đồi. Đó là những cánh rừng keo lai được trồng từ nguồn vốn chương trình 30a của Chính Phủ, đó còn là những rẫy cà phê đang kỳ trổ hoa. Đó còn là các tuyến đường bê tông kiên cố được rải khắp các xã, đường giao thông nông thôn cũng được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Trong các buôn làng, những mái nhà mới mọc lên ngày càng nhiều hơn, người dân địa phương yên tâm sản xuất hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Trung tâm hành chính huyện ở khu vực Bằng Lăng nằm sát bên Quốc lộ 27 (dẫn đi tỉnh Đăk Lăk) đang được hình thành với những dãy nhà cao tầng khang trang, vào ban đêm tỏa ánh đèn rực rỡ ánh đèn như xé toạc màn đêm tĩnh mịch của miền núi hẻo lánh. Sản xuất nông nghiệp đang băt đầu với những mô hình mới, trồng rừng cho thu nhập khá ổn định.... Đặc biệt, nền kinh tế tiểu thu công nghiệp và nhóm ngành công nghiệp – xây dựng – dịch vụ ngày càng phát triển, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của địa phương.
* Còn lắm tiềm năng
     Năm 2011, năm đầu tiên huyện Đam Rông triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015) nên có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực cho chính quyền và nhân dân địa phương trên đường thoát nghèo. Ông Lưu Đại Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Đam Rông còn nhiều tiềm năng lắm, nếu được đầu tư và xây dựng đúng cách thì trong tương lai, huyện sẽ phát triển sánh ngang với các địa phương khác”.
     Thật vậy, tuy là huyện vùng sâu nhưng có thể nói, Đam Rông là vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng phát triển. Đó chính là thế mạnh về du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại với nguồn suối nước nóng Đạ Long, thác bảy tầng Phi Liêng, rừng sinh thái Bằng Lăng… Hay đó còn là thế mạnh về du lịch văn hóa với đa dạng các tộc người bản địa gốc Tây Nguyên hay bản làng các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Tây Bắc di cư tới. Ngoài ra, Đam Rông còn là địa phương có thế mạnh về phát triển rừng, trồng cây công nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển nghề thủ công truyền thống.
     Các tiềm năng ấy sẽ được đánh thức nhanh hơn khi tuyến đường 722 (nối xã Đạ Long với huyện Lạc Dương) được mở rộng. Lúc ấy, đi từ Đà Lạt đến suối nước nóng Đạ Long chỉ khoảng 60 – 70km, gần hơn một nửa so với hiện nay. Hoặc khi tuyến Quốc lộ 27 được sửa chữa, đường liên xã nối từ QL27 vào vùng Đầm Ròn (gồm 3 xã: Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’Rông) được mở rộng và tuyến đường nối xã Đạ Rsal (giáp với Đăk Lăk) với vùng Đầm Ròn được hoàn thành cũng tạo điều kiện cho việc thông thương, giao lưu phát triển kinh tế với bên ngoài dễ dàng hơn rất nhiều. “Một khi các tuyến đường trọng yếu được rộng mở sẽ tạo điều kiện cho Đam Rông phát huy hết các tiềm năng sẵn có. Đây là cơ hội mà Đảng bộ và chính quyền địa phương đã nắm bắt và đặt ra các mục tiêu thực hiện” – ông Lưu Đại Phong, cho biết thêm.
     Đó là những chiến lược mũi nhọn, những bước đột phá nhằm giúp Đam Rông thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo nhanh và bền vững và chính là định hướng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông – lâm nghiệp để tăng cao thu nhập, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề, dạy nghề ở nông thôn, phát huy tiềm năng của vùng nguyên liệu sẵn có. Đó còn là mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí nhằm hướng đến mục tiêu: Đam Rông thoát nghèo và thoát khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất nước vào năm 2013.

(Theo TTXVN)





Dự án BMGF-VN giai đoạn II

Dự án BMGF-VN giai đoạn II, bước 2: Khởi động nhiều thuận lợi
ICTnews - Khi có thêm 16 tỉnh tham gia vào Dự án BMGF VN của giai đoạn II, bước 2 sẽ nâng số tỉnh được triển khai Dự án lên đến 28 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có các điểm truy cập Internet miễn phí. Theo đó, hàng trăm ngàn người dân nghèo có cơ hội tiếp cận với máy tính và Internet.
 Bước 1 và những kết quả đáng ghi nhận
Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ nước ngoài Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) tài trợ được thực hiện trong 5 năm, từ 2011-2016 với tổng kinh phí của dự án là 50.568.362 USD (trong đó tài trợ không hoàn lại của BMGF là 29.998.220 USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft là 3.639.000 USD và 16.931.142 USD vốn đối ứng của phía Việt Nam).
Mục tiêu lâu dài của Dự án mở rộng là góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm BĐVHX với tầm nhìn mới; tập trung hỗ trợ người  nghèo và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với CNTT và được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội mà việc tiếp cận với CNTT mang lại. Từ đó, cải thiện được cuộc sống của cá nhân, đồng thời đóng góp được cho gia đình họ, cho cộng đồng và xã hội.
Bước 1 của Dự án đã được triển khai trong 15 tháng (từ tháng 4/2012 đến 6/2013) tại 12 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng cùng 3 trung tâm đào tạo vùng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Đã có 637 điểm của Dự án bao gồm 311 điểm thư viện, 323 điểm BĐVHX và 3 Trung tâm đào tạo vùng được lắp đặt máy tính và đưa vào hoạt động.
Theo số liệu thống kế từ hệ thống Observatory từ 1/6/2012 đến 30/9/2013 đã có 218.250 lượt người sử dụng máy tính ở 12 tỉnh trong bước 1 với tổng thời lượng truy nhập Internet là 2.028.191 giờ. Đây là một con số đáng ghi nhận từ hiệu quả của Dự án.
Để đảm bảo tính bền vững lâu dài, Dự án đã nhanh chóng tổ chức nhiều khóa đào tạo cho 4.700 lượt cán bộ quản lý các cấp cũng như nhân viên kỹ năng để quản lý và hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, truy cập Internet hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Dự án tổ chức hàng loạt các hoạt động truyền thông từ Trung ương đến địa phương. Trên thực tế, đã có 2.100 sự kiện truyền thông gồm Ngày hội Internet, Internet với phụ nữ, thanh niên, mùa hè tình nguyện... thu hút được hơn 85.000 người tham dự.
anh-2,-ong-hung-dung.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT  Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án.
Theo ông Phan Hữu Phong - Giám đốc Ban quản lý Dự án BMGF VN thì với những kết quả đó Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực từ phía nhà tài trợ cũng như các nước đang triển khai chương trình sáng kiến Thư viện toàn cầu của Quỹ Bill and Melinda Gate. Tại buổi lễ sơ kết triển khai Dự án BMGF-VN bước 1 giai đoạn 2 tại Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án trong Bước 1 đồng thời nhấn mạnh phải hết sức coi trọng tính bền vững của Dự án.
Bước 2 của Dự án sẽ thêm nhiều cơ hội cho dân nghèo
Tính đến tháng 9/2013, Dự án đã hoàn thành việc lắp đặt trang thiết bị ở 16 tỉnh tham gia Dự án Giai đoạn II, bước 2 bao gồm các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Cụ thể, Dự án đã lắp đặt hơn 4.600 bộ máy tính và các trang thiết bị khác kết nối Internet cho 665 điểm Thư viện và điểm BĐVHX. Theo đó, các điểm thư viện cấp tỉnh được trang bị 40 bộ/điểm; các thư viện huyện được trang bị 10 máy tính/điểm, thư viện xã và BĐVHX được trang bị 05 máy tính/điểm.
Bên cạnh đó, các điểm còn được trang bị thêm máy in, máy chiếu, tai nghe, các thiết bị phụ trợ khác tùy theo chức năng hoạt động. Để có thể hoàn thành công việc triển khai như vậy phải kể đến sự đóng góp quan trọng của UBND các tỉnh, sở, ban, ngành các địa phương, VNPost trong việc cấp vốn đối ứng, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ dự án. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai kịp thời việc cung cấp đường truyền ADSL cho điểm BĐVHX và hỗ trợ 50% cước truy nhập Internet. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng cung cấp truy nhập cáp quang cho Thư viện công công các cấp, đồng thời hỗ trợ 70% cước truy nhập.  
Ngày 23/11/2013, Lễ bàn giao Bước 2 Dự án được tổ chức tại TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Đây được xem là một mốc quan trọng của Dự án, đánh dấu việc hoàn thành lắp đặt trang thiết bị và chính thức đưa các điểm truy nhập công cộng vào hoạt động, phục vụ nhu cầu về thông tin của người dân. Để hoàn thành công việc lắp đặt trang thiết bị, với sư hỗ trợ và chỉ đạo của Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL, Ban QLDA cùng với các cơ quan, ban ngành tại địa phương và các doanh nghiệp đã nỗ lực, vượt qua khó khăn để lựa chọn được đúng các điểm theo tiêu chí của Văn kiện Dự án, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp và lắp đặt trang thiết bị đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Sau khi hoàn thiện việc lắp đặt trang thiết bị và đưa vào sử dụng, người dân sẽ được sử dụng Internet miễn phí ở các thư viện và được giảm 50% cước phí truy nhập ở các điểm BĐVHX để tìm kiếm thông tin hữu ích, cải thiện đời sống kinh tế và văn hóa.
Hồng Dương
Theo ictnews
Ngày 20/11/2013 - Theo BMGF