Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đam Rông trên con đường hội nhập


Đam Rông trên đường thoát nghèo
* Ấn tượng nhiệm kỳ đầu
     Một số vị lãnh đạo gắn bó với vùng đất này từ ngày đầu thành lập thường kể: Những ngày đầu đến vùng đât này, đâu đâu cũng chỉ thấy rừng núi như muốn nuốt chửng bầu trời. Nhưng đó lại là chuyện trong quá khứ cách nay đã 5 năm. Còn bây giờ, Đam Rông đã khác ! Điều này đã được minh chứng bằng mức tăng trưởng GDP trong năm 2010 đạt khá cao, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ giảm còn 26%, hệ thống lưới điện đã kéo về tất cả các thôn, buôn trong xã. Công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cũng tốt hơn với hệ thống trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giáo dục cũng được kiện toàn ở các bậc học. Toàn huyện cũng đã có các Trung tâm dạy nghề, Giáo dục thường xuyên phục vụ cho việc phát triển ngành nghề, nâng cao dân trí của người dân.    
Về Đam Rông những ngày giáp Tết Tân Mão, một màu xanh trù phú trên những triền đồi. Đó là những cánh rừng keo lai được trồng từ nguồn vốn chương trình 30a của Chính Phủ, đó còn là những rẫy cà phê đang kỳ trổ hoa. Đó còn là các tuyến đường bê tông kiên cố được rải khắp các xã, đường giao thông nông thôn cũng được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Trong các buôn làng, những mái nhà mới mọc lên ngày càng nhiều hơn, người dân địa phương yên tâm sản xuất hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững. Trung tâm hành chính huyện ở khu vực Bằng Lăng nằm sát bên Quốc lộ 27 (dẫn đi tỉnh Đăk Lăk) đang được hình thành với những dãy nhà cao tầng khang trang, vào ban đêm tỏa ánh đèn rực rỡ ánh đèn như xé toạc màn đêm tĩnh mịch của miền núi hẻo lánh. Sản xuất nông nghiệp đang băt đầu với những mô hình mới, trồng rừng cho thu nhập khá ổn định.... Đặc biệt, nền kinh tế tiểu thu công nghiệp và nhóm ngành công nghiệp – xây dựng – dịch vụ ngày càng phát triển, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của địa phương.
* Còn lắm tiềm năng
     Năm 2011, năm đầu tiên huyện Đam Rông triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015) nên có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực cho chính quyền và nhân dân địa phương trên đường thoát nghèo. Ông Lưu Đại Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Đam Rông còn nhiều tiềm năng lắm, nếu được đầu tư và xây dựng đúng cách thì trong tương lai, huyện sẽ phát triển sánh ngang với các địa phương khác”.
     Thật vậy, tuy là huyện vùng sâu nhưng có thể nói, Đam Rông là vùng đất màu mỡ, giàu tiềm năng phát triển. Đó chính là thế mạnh về du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại với nguồn suối nước nóng Đạ Long, thác bảy tầng Phi Liêng, rừng sinh thái Bằng Lăng… Hay đó còn là thế mạnh về du lịch văn hóa với đa dạng các tộc người bản địa gốc Tây Nguyên hay bản làng các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Tây Bắc di cư tới. Ngoài ra, Đam Rông còn là địa phương có thế mạnh về phát triển rừng, trồng cây công nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển nghề thủ công truyền thống.
     Các tiềm năng ấy sẽ được đánh thức nhanh hơn khi tuyến đường 722 (nối xã Đạ Long với huyện Lạc Dương) được mở rộng. Lúc ấy, đi từ Đà Lạt đến suối nước nóng Đạ Long chỉ khoảng 60 – 70km, gần hơn một nửa so với hiện nay. Hoặc khi tuyến Quốc lộ 27 được sửa chữa, đường liên xã nối từ QL27 vào vùng Đầm Ròn (gồm 3 xã: Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’Rông) được mở rộng và tuyến đường nối xã Đạ Rsal (giáp với Đăk Lăk) với vùng Đầm Ròn được hoàn thành cũng tạo điều kiện cho việc thông thương, giao lưu phát triển kinh tế với bên ngoài dễ dàng hơn rất nhiều. “Một khi các tuyến đường trọng yếu được rộng mở sẽ tạo điều kiện cho Đam Rông phát huy hết các tiềm năng sẵn có. Đây là cơ hội mà Đảng bộ và chính quyền địa phương đã nắm bắt và đặt ra các mục tiêu thực hiện” – ông Lưu Đại Phong, cho biết thêm.
     Đó là những chiến lược mũi nhọn, những bước đột phá nhằm giúp Đam Rông thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm nghèo nhanh và bền vững và chính là định hướng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông – lâm nghiệp để tăng cao thu nhập, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề, dạy nghề ở nông thôn, phát huy tiềm năng của vùng nguyên liệu sẵn có. Đó còn là mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí nhằm hướng đến mục tiêu: Đam Rông thoát nghèo và thoát khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất nước vào năm 2013.

(Theo TTXVN)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét