Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

KHÁI QUÁT CHUNG HUYỆN ĐAM RÔNG



Bản đồ hành chính tỉnh Lâm Đồng
I- Đặc điểm địa lý tự nhiên
Huyện Đam Rông mới thành lập tháng 12 năm 2004 theo Nghị định số 189/2004/NĐ-CP ngày 17/11/2004 của Chính phủ trên cơ sở chia tách 3 xã của huyện Lạc Dương (cũ) và 5 xã của huyện Lâm Hà (cũ); Đam Rông là một huyện có tỉ lệ đồng bào dân tộc cao, miền núi, vùng xa nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên 860.9 km2, dân số hơn 32.000 người; Mật độ dân số thấp nhất tỉnh vớit 32 người/1 km2.
Đam Rông nằm ở phía Bắc và Tây bắc của tỉnh Lâm Đồng, là cửa ngõ nối Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên. Ranh giới hành chính được xác định như sau:
- Phía Bắc và Tây bắc giáp tỉnh Đắc Lắc và tỉnh Đắc Nông;
- Phía Nam và Tây nam giáp huyện Lâm Hà;
- Phía Đông và Đông nam giáp huyện Lạc Dương.
Độ cao trung bình của huyện 800 - 1000m so với mặt nước biển, địa hình đa phần là núi. Với vị trí địa lý và điệu kiện tự nhiên như vậy, huyện Đam Rông bị hạn chế giao lưu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục - đào tạo với các tỉnh khu vực Tây nguyên, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và vùng duyên hải miền Trung. Đam Rông là địa bàn trọng yếu của tỉnh về an ninh, quốc phòng.

II- Đặc điểm dân cư, văn hoá truyền thống và trình độ dân trí
Về đơn vị hành chính, huyện Đam Rông bao gồm 8 xã, là huyện duy nhất trong tỉnh không có địa bàn thị trấn, thành thị. Dân số trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số với 14 dân tộc, các dân tộc chủ yếu như Kinh 27%, Cill 27%, M/Nông 24% ... Trong thời gian qua Đam Rông có nhiều biến động cơ học về dân số, chủ yếu là di dân của các dân tộc Mông, Mèo, Mường, Thái … từ các tỉnh  phía Bắc Việt nam vào.
Vì vậy, ngoài bản sắc văn hoá của người dân tộc thiểu số tại chỗ, Đam Rông có nét văn hoá, tập quán và truyền thống rất đa dạng của các cộng đồng dân cư trên các miền của đất nước hội tụ. Yếu tố này đã làm đa dạng từ việc bố trí trường lớp đến việc vận dụng nội dung, chương trình, phương thức giáo dục thích hợp cho các vùng và cộng đồng dân cư trong tỉnh.
            Dân cư của huyện sinh sống chủ yếu dọc theo Quốc lộ 28 nối từ Lâm Đồng sang Đắc Lắc và tỉnh lộ 725. Dân cư  Đam Rông hình thành chủ yếu ở 2 khu vực. Khu vực thứ nhất là dọc theo Quốc Lộ 28, bao gồm 5 xã Phi Liêng, Đạ K`Nàng, Liêng Srônh, Rô Men và xã Đạ Rsal, trong đó Đạ Rsal là khu vực trung tâm tương lai sẽ quy hoạch thành thị trấn. Khu vực thứ hai là dọc theo Tỉnh Lộ 725, bao gồm 3 xã Đạ Tông, Đạ M’Rông và Đạ Long. Dân cư huyện Đam Rông sinh sống tương đối tập trung, thuận lợi cho việc quy hoạch bố trí mạng lưới trường lớp.

III- Đặc điểm  phát triển kinh tế – xã hội
            Đam Rông là huyện nghèo, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất Tỉnh, nhận trợ cấp ngân sách 100% hàng năm của Tỉnh và Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 10%/năm; Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng trên 90% trong GDP; Tỷ lệ hộ đói nghèo là 45%, cao nhất tỉnh.
Về hạ tầng cơ sở của huyện, đến nay 100% số xã đã có điện lưới Quốc gia đến trung tâm xã, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Cơ sở vật chất ngành giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - xã hội còn nghèo nàn… Trình độ dân trí thấp kém, ít có cơ hội, điều kiện tiếp cận trình độ văn hoá, khoa học kỷ thuật hiện đại; Nguồn nhân lực của huyện còn nhiều hạn chế, thiếu về số lượng, kém về chất lượng. Lực lượng cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt hầu hết được tăng cường từ tỉnh hoặc các huyện khác trong tỉnh; Lao động chủ yếu là nông nghiệp, tập quán canh tác lạc hậu khó có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới hiện nay.
            Huyện Đam Rông có quá nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho nhân dân. Vì vậy, việc định hướng phát triển giáo dục và mạng lưới trường học đối với huyện có vai trò hàng đầu trong sự nghiệp xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét